Đập trên hạ lưu sông Mê Kông: Cuộc khủng hoảng nước xuyên biên giới

Date: 
Thursday, March 28, 2013

Chính phủ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện lớn trên hạ lưu sông Mê Kông. Nếu được xây dựng, những con đập này sẽ phá hủy nguồn đa dạng sinh học phong phú của con sông và đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người dân

Dòng sông chung của hàng triệu người

Mê Kông là một trong những con sông lớn của thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, sông Mê Kông chảy qua sáu nước trước khi hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam và đổ vào Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng vài đập ở thượng lưu nhưng phần hạ lưu - chảy qua Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam - vẫn duy trì  dòng chảy tự nhiên. Hơn 60 triệu người dân sống phụ thuộc vào hạ lưu sông Mê Kông cùng nguồn thực phẩm, thu nhập, sức khỏe, cũng như bản sắc văn hóa của mình. Tuy nhiên, chính phủ bốn nước đã tái khởi động các kế hoạch xây dựng một loạt các con đập lớn ngăn sông để sản xuất điện, mặc dù vẫn có những lựa chọn khác tốt hơn.

Mặc dù kế hoạch xây dựng một loạt các đập trên hạ lưu sông Mê Kông đã có từ những năm 1950 nhưng chiến tranh và bất ổn trong khu vực khiến các đề xuất này không thể thực hiện được trong nhiều thập kỷ. Nhưng nay mọi việc đã thay đổi. Vào những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng chuỗi đập lớn trên thượng nguồn sông Mê Kông. Giữa những năm 2000, nhiều công ty của Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia lập lại kế hoạch xây dựng 11 dự án thủy điện lớn trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Chín trong số những con đập được đề xuất sẽ xây tại Lào và hai đập tại Campuchia. Hầu hết nguồn điện sản xuất sẽ được bán cho Thái Lan và Việt Nam.


Khi dự án xây dựng các con đập được đề xuất lần đầu tiên, người ta vẫn chưa có sự hiểu biết sâu sắc về sự phụ thuộc của con người vào sông Mê Kông và hệ sinh thái. Những rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường chưa được hiểu đúng mức. Hiện nay các mối đe dọa gây ra bởi những con đập này đã trở nên rõ ràng hơn, dẫn đến căng thẳng giữa những người được hưởng lợi từ đập và những người sẽ phải chịu ảnh hưởng.

Các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mê Kông

Trung Quốc xúc tiến xây dựng chuỗi đập trên phần thượng lưu  Mê Kông (còn gọi là Lan Thương) mà không cần tham khảo ý kiến các nước láng giềng ở hạ lưu hoặc chia sẻ thông tin về dòng chảy. Năm con đập lớn đã được xây dựng, tám đập khác đang được hoàn thành và một số đập khác đang được lên kế hoạch ở Tây Tạng và Thanh Hải. Tính đến nay, các đập đã hoàn thành trên sông Lan Thương bao gồm Đại Chiếu Sơn (Dachaoshan, 2003), Mãn Loan (Manwan, 2007), Cảnh Hồng (Jinghong, 2009), Tiểu Loan (Xiaowan, 2010) và Nọa Trát Độ (Nuozhadu, 2012). Các đập của Trung Quốc đã làm thay đổi một cách đáng kể chu kỳ lũ lụt-hạn hán tự nhiên của hạ lưu sông Mê Kông, làm giảm lượng nước, trầm tích và các chất dinh dưỡng chảy vào lưu vực sông và các vùng duyên hải. Các tác động ảnh hưởng đến mực nước và sản lượng thủy sản đã được ghi nhận dọc theo biên giới Lào-Thái Lan. Các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu hết các tác động tích lũy của những con đập này.


Sông Mê Kông nuôi sống hàng triệu người

Hạ nguồn sông Mê Kông là một nguồn đảm bảo an ninh lương thực chính ở Đông Nam Á. Trong số 60 triệu người dân sống trong lưu vực sông, khoảng 80%  phụ thuộc trực tiếp vào sông vì lương thực và sinh kế của mình. Dòng sông này có nguồn thủy sản nội địa lớn nhất và có sản lượng nhiều nhất trên thế giới. Các nhà khoa học đã xác định được khoảng 850 loài cá, nhưng ước tính có hơn 1.000 loài trên thực tế. Hơn một phần ba các loài này di chuyển hơn 1.000 km dọc theo con sông để kiếm ăn và sinh sản. Ở một số vùng, vào mùa di cư cao điểm, lưu lượng cá có thể lên đến 3 triệu con mỗi giờ, khiến cho sông Mê Kông trở thành vùng di cư lớn nhất thế giới.

Cá là nguồn cung cấp đạm chính cho nhiều người dân trên khắp khu vực. Nghiên cứu của WWF và Đại học Quốc gia Úc cho thấy nguồn thay thế loại đạm này sẽ rất khó khăn. Đơn giản là vì không có đủ đất và nước sẵn có trong khu vực sông cho việc phát triển chăn nuôi để thay thế nguồn đạm từ cá ở sông Mê Kông.

Giá trị kinh tế của ngành thủy sản từ sông Mê Kông là rất lớn. Mỗi năm, cá ở sông Mê Kông có giá trị ròng từ 3,9 tỷ đến 7 tỷ đô-la Mỹ, nhưng tổng giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều. Số liệu thống kê này chưa gồm giá trị tạo ra bởi rất nhiều người buôn bán cá ở chợ, vận chuyển cá đến các thành phố, chế biến thức ăn và làm ra các sản phẩm và nguyên liệu khác. Con số này cũng chưa bao gồm hàng triệu người dân sống dọc theo sông tự đánh bắt cá và sống chủ yếu không dùng tiền mặt.


Dòng sông còn cung cấp nhiều nguồn thực phẩm khác. Hàng triệu người dân trồng rau trong các khu vườn ven sông. Các ngành nông nghiệp và trồng lúa có năng suất cao của khu vực Đông Nam Á phụ thuộc vào chất dinh dưỡng vận chuyển từ phía bắc sông Mê Kông. Vùng đồng bằng ngập lũ, các đầm lầy trầm tích và các chất dinh dưỡng giữ cho đất được màu mỡ và ngăn chặn xói mòn đất.

Ai sẽ gánh chịu chi phí xây dựng các đập?

Trong năm 2010, Ủy hội sông Mê Kông đã công bố Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược, xem xét những gì sẽ xảy ra nếu mười một đập ở hạ lưu sông Mê Kông được xây dựng. Nghiên cứu được tiến hành bởi nhiều nhà khoa học hàng đầu của khu vực, các quan chức chính phủ và công chúng. Trước khi thực hiện các nghiên cứu này, chính phủ các nước trong lưu vực sông Mê Kông chưa có sự hiểu biết đúng mức về các chi phí môi trường và xã hội nếu xây dựng các con đập này.



Đánh giá Môi trường Chiến lược kết luận rằng mười một con đập sẽ biến hơn một nửa dòng chảy tự do ở hạ lưu sông Mê Kông thành các hồ chứa tù đọng. Các con đập này sẽ ngăn chặn sự di cư của cá và thay đổi môi trường sống tự nhiên của chúng. Theo đó, các loài cá sông Mê Kông sẽ bị suy giảm ước tính từ 26 đến 42%, dẫn đến thiệt hại khoảng 500 triệu đô-la Mỹ mỗi năm. Hơn 100 loài sẽ có nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính khoảng 106.000 người dân sẽ bị mất nhà cửa và an ninh lương thực của hơn hai triệu người sẽ bị đe dọa. Hàng triệu người khác sẽ phải hứng chịu các tác động lên nguồn lương thực, thu nhập và lối sống của mình.



Ngành nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các hồ chứa sẽ làm ngập lụt hơn một nửa các khu vườn bên bờ sông và nhiều vùng đất canh tác của nông dân. Các con đập sẽ chặn các chất dinh dưỡng và trầm tích chảy xuống dòng sông, ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất nông nghiệp trong khu vực. Theo Đánh giá Môi trường Chiến lược, các đập ở vùng thượng nguồn của Trung Quốc dự kiến là sẽ làm giảm lưu lượng trầm tích xuống khoảng 50% và sẽ còn giảm thêm nữa nếu các đập hạ lưu sông Mê Kông được xây dựng, chỉ còn lại khoảng 25% so với mức ban đầu. Điều này sẽ làm mất ổn định đường bờ biển và vùng ngập lũ của đồng bằng sông Cửu Long, đe dọa vựa lúa và nông sản của Việt Nam.

Giải pháp cung cấp năng lượng tốt hơn

Women pan for gold near the Xayaburi Dam site in Laos.
Women pan for gold near the Xayaburi Dam site in Laos.
© Suthep Kritsanavarin

Các chính phủ đã cố gắng chứng minh sự cần thiết của các đập ở hạ lưu sông Mê Kông là nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trong khu vực. Nhưng trên thực tế, các đập trên dòng chính sẽ chỉ đóng góp khoảng 6-8% nhu cầu điện năng dự kiến trong khu vực vào năm 2025, chưa kể đã có các phương án thay thế khác có thể đáp ứng nhu cầu này một cách có trách nhiệm hơn. Ví dụ như các nghiên cứu cho thấy rằng Thái Lan có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai của mình mà không cần nhập khẩu thêm thủy điện, than đá hay năng lượng hạt nhân. Việc đầu tư nâng cao hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và năng lượng đồng phát có thể làm giảm 12% hóa đơn tiền điện cho người tiêu dùng vào năm 2030, tiết kiệm đến 67 tỷ đô-la Mỹ. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn là một trở lực rất lớn đằng sau việc xây dựng các con đập. Nhiều công ty và các quan chức chính phủ hưởng lợi từ các đập, nắm quyền quyết định dự án nào được phép triển khai. Quy hoạch năng lượng một cách minh bạch và có sự tham gia, bao gồm việc lấy ý kiến rộng rãi từ công chúng, có thể giúp các chính phủ có được lựa chọn tốt nhất cho đất nước mình.

Đập và "Phát triển"

Chính phủ Lào có kế hoạch xây dựng chín trong số mười một con đập đã được đề xuất, dự định biến đất nước này thành "bình ắc-quy của Đông Nam Á", bán điện cho các nước láng giềng giàu có. Các quan chức chính phủ Lào cho rằng các đập ở hạ lưu sông Mê Kông sẽ tạo ra một lượng tiền đủ lớn để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh chóng. Nhưng nguồn thu này không thể tự động dẫn đến sự phát triển kinh tế.



Phần lớn nguồn thu sẽ mất dần khi chuyển từ các con đập đến với người dân Lào. Lào thiếu các tổ chức và năng lực cần thiết để quản lý nguồn thu hiệu quả và chính phủ Lào cũng đang đối mặt với nạn tham nhũng tràn lan. Lào thiếu một xã hội dân sự đủ mạnh và các phương tiện truyền thông để thực hiện giám sát độc lập việc chi tiêu của chính phủ. Chính phủ Lào cung cấp rất ít thông tin về kế hoạch sử dụng nguồn thu này để cải thiện cuộc sống của người dân. Cũng như các dự án thủy điện đã vận hành tại Lào, những người dân Lào nghèo nhất sống xung quanh các con đập mới chưa chắc sẽ được hưởng nhiều lợi ích.

Đập trên sông Mê Kông đang được xúc tiến xây dựng nhanh chóng

Một số đập đã được xúc tiến xây dựng trên hạ lưu sông Mê Kông. Vào tháng 11 năm 2012, Lào và Thái Lan đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đập Xayaburi - con đập đang gây rất nhiều tranh cãi. Trên thực tế, Lào và Thái Lan đã triển khai thực hiện dự án này từ năm 2010, mặc cho những quan ngại liên tục từ Campuchia và Việt Nam về các tác động xuyên biên giới của đập. Lào có thể sẽ sớm tiến hành xây dựng hai đập khác là đập Don Sahong gần biên giới Campuchia và đập Pak Beng ở bắc Lào. Tuy nhiên chưa có dự án nào nhận được sự đồng thuận của chính phủ các nước láng giềng.

Thách thức khi cùng chia sẻ một con sông

A woman in Cambodia makes fish paste near the Mekong River
A woman in Cambodia makes fish paste near the Mekong River
©International Rivers

Năm 1995, Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam đã ký hiệp ước thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng và quản lý lưu vực hạ lưu sông Mê Kông. Họ đã thành lập Ủy hội sông Mê Kông (MRC) để hỗ trợ thực hiện các điều ước quốc tế và nhất trí thông báo cho nhau về các dự án quy hoạch. Trong một phần của điều ước, các chính phủ cũng đã đồng ý tham khảo ý kiến của nhau về các đề xuất xây dựng đập trên hạ lưu sông Mê Kông.

Chính phủ bốn nước đã nhận thấy khó khăn khi thực hiện hiệp ước. Trong năm 2012, Lào đã thông báo rằng sẽ tiếp tục xúc tiến xây đập Xayaburi, và Lào tuyên bố rằng họ có chủ quyền để quyết định việc này. Trong thực tế, hiệp ước yêu cầu các chính phủ phải nỗ lực để đạt được thỏa thuận trước khi phê duyệt bất kỳ con đập nào. Trong năm 2011, các quốc gia  thành viên MRC đã đồng ý tiến hành các nghiên cứu sâu hơn về tác động của các đập nhưng Lào từ chối đề nghị trì hoãn các dự án này khi thực hiệnnghiên cứu . Đập Xayaburi đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm khi Lào không cần giải quyết các mối quan tâm của các nước láng giềng trước lúc bắt đầu xây dựng đập.

Phản đối chưa từng có của công chúng

Nhận thức của cộng đồng về kế hoạch xây dựng các đập và các mối đe dọa mà những con đập ở Hạ lưu sông Mê Kông gây ra ngày càng được nâng cao. Dòng Mê Kông trong lành là vô giá. Vì vậy, việc bảo vệ sông Mê Kông phụ thuộc vào sự tham gia và cam kết của nhiều bên liên quan:

  • Những người dân quan tâm đã kiến nghị hủy bỏ các đập thủy điện này, bao gồm công dân trên khắp thế giới, khi mà người dân ở Lào và các quốc gia khác có thể gặp nguy hiểm khi nói lên tiếng nói của mình.
  • Cộng đồng sinh sống ven sông yêu cầu phải nâng cao và tôn trọng các quyền lợi của mình.
  • Các nhà báo phải đảm bảo rằng các lãnh đạo chính phủ chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
  • Các nhà khoa học cần nâng cao sự hiểu biết của công chúng về sông Mê Kông cũng như là những tác động của sông đến cuộc sống của con người.
  • Các lãnh đạo chính phủ kêu gọi trì hoãn  việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông trong khi cần có các nghiên cứu khoa học sâu hơn, các nghiên cứu tác động và quá trình tham vấn vẫn được tiếp tục thực hiện.
  • Các nhà bảo vệ môi trường tham mưu cho những người ra quyết định về các lựa chọn thay thế sạch hơn, có trách nhiệm hơn so với các dự án đập này.
  • Các công ty đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch hơn, có trách nhiệm hơn trong khu vực.
  • Các nhà hoạch định chính sách cải cách Ủy hội sông Mê Kông để tổ chức này có thể hoạt động hiệu quả nhằm thúc đẩy sự phát triển có trách nhiệm với xã hội và môi trường trong lưu vực sông.